Hiện nay, khi tham gia các giao dịch, nhiều người lựa chọn cách thức lập vi bằng như là văn bản ghi nhận giá trị chứng cứ. Việc lập vi bằng giúp các bên giảm được rủi ro pháp lý.
Tuy nhiên, nhiều người còn băn khoăn và đặt câu hỏi Công chứng vi bằng hết bao nhiêu tiền? Bài viết về phí công chứng vi bằng của Công ty Luật Rong Ba giúp cho mọi người dễ dàng tiếp cận pháp luật về quy định này.
Vi bằng là gì
Theo quy định tại khoản 3 điều 2 nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại nêu khái niệm vi bằng như sau:
“ Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này”.
Theo định nghĩa nếu trên ta có thể hiểu vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu có).
Trong tài liệu đó, Thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện lập vi bằng mà đích thân Thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan.
Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng. Vi bằng không thừa nhận, hay đánh giá tính hợp pháp của các hành vi, sự kiện, quan hệ xã hội mà chỉ ghi nhận những gì có thật đã xảy ra trên thực tế.
Ý nghĩa của việc lập vi bằng
Thực tế, hiện nay lập vi bằng là cách thức được nhiều người lựa chọn để giảm thiểu rủi ro khi tham gia các giao dịch, bởi vi bằng có tác dụng như sau:
Vi bằng ghi nhận lại những sự kiện, hành vi khách quan theo yêu cầu của các chủ thể, không thừa nhận hay đánh giá tính hợp pháp của các hành vi, sự kiện, quan hệ xã hội, chỉ ghi nhận những gì có thật, đã xảy ra trên thực tế. Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.
Vi bằng có giá trị chứng cứ, là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Thông thường, những thủ tục liên quan đến vụ án sẽ rất mất thời gian, do đó, thay vì đến khi tranh chấp các bên thực hiện các thủ tục tốn kém để khởi kiện thì có thể lập vi bằng tại thời điểm giao dịch. Vi bằng được lập hợp pháp sẽ sẽ được tòa án coi là chứng cứ mà không phải thực hiện bất kỳ thủ tục nào khác.
Công chứng vi bằng là gì
Công chứng vi bằng chỉ có giá trị là bằng chứng ghi nhận sự kiện, hoạt động đó xảy ra mà không ghi nhận tính hợp pháp của sự kiện, hoạt động đó. Do đó, công chứng vi bằng không chứng minh được giá trị pháp lý của của các sự kiện, sự vật đó…
Công chứng vi bằng ở đâu
Công chứng vi bằng hiện nay sẽ được thực hiện tại Văn phòng Thừa phát lại, đối với những trường hợp khác công chứng thuộc thẩm quyền của văn phòng công chứng do các cá nhân, tổ chức đứng ra thành lập thì công chứng vi bằng do Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm theo quy định của pháp luật thực hiện.
Cụ thể theo điều 42 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP Tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định về giá trị pháp lý quy định Cấp bản sao vi bằng như sau:
“ 1. Việc cấp bản sao vi bằng do Văn phòng Thừa phát lại đang lưu trữ bản chính vi bằng đó thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc cung cấp hồ sơ vi bằng phục vụ cho việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến việc đã lập vi bằng;
b) Theo yêu cầu của người yêu cầu lập vi bằng, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến vi bằng đã được lập.
2. Người yêu cầu cấp bản sao vi bằng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này phải trả chi phí cấp bản sao vi bằng theo mức sau đây: 05 nghìn đồng/trang, từ trang thứ 03 trở lên thì mỗi trang là 03 nghìn đồng.”
Nếu có nhu cầu về bản sao vi bằng thì theo yêu cầu của người yêu cầu lập vi bằng, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến vi bằng đã được lập thì văn phòng thừa phát lại được cấp bản sao vi bằng.
Để được cấp bản sao vi bằng thì những người này phải trả chi phí cấp bản sao vi bằng theo mức sau đây: 05 nghìn đồng/trang, từ trang thứ 03 trở lên thì mỗi trang là 03 nghìn đồng.
Theo Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP Tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định về giá trị pháp lý của vi bằng như sau:
“ 2. Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.
Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng.
Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân triệu tập. Điều trên có nghĩa, vi bằng chỉ có giá trị bằng chứng, là một chứng cứ công nhận có việc mua bán, giao nhận tiền nhà chứ không phải là một thủ tục hành chính để đảm bảo giá trị tài sản”.
Việc lập vi bằng được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục do Nhà nước quy định sẽ xác nhận giao dịch của các bên tại thời điểm lập và được coi là chứng cứ tại Tòa án nếu có tranh chấp xảy ra. Như vậy, vi bằng chỉ có giá trị chứng cứ và được Tòa án ghi nhận.
phí công chứng vi bằng
Chi phí công chứng vi bằng bao nhiêu
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Thông tư liên tịch 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC quy định về chi phí lập vi bằng như sau:
“ 1. Văn phòng Thừa phát lại quy định và niêm yết công khai khung giá về chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án, trong đó xác định rõ mức tối đa, mức tối thiểu, nguyên tắc tính.
Trên cơ sở khung giá đã niêm yết, người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận về chi phí thực hiện theo công việc hoặc theo giờ làm việc và các khoản chi phí thực tế phát sinh gồm: chi phí đi lại; phí dịch vụ cho các cơ quan cung cấp thông tin; chi phí cho người làm chứng, người tham gia hoặc chi phí khác, nếu có.”
Như vậy, căn cứ vào quy định trên ta có thể thấy rằng hiện nay pháp luật không quy định công chứng vi bằng hết bao nhiêu tiền.
Tuy nhiên, pháp luật quy định: Văn phòng Thừa phát lại quy định và niêm yết công khai khung giá về chi phí lập vi bằng, việc quy định về công khai và niêm yết mức giá lập vi bằng giúp cho người có nhu cầu lập vi bằng nắm rõ để cân nhắc lựa chọn có lập vi bằng không?
Trên cơ sở mức giá đã được niêm yết, người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận về chi phí thực hiện theo công việc hoặc theo giờ làm việc và các khoản chi phí thực tế phát sinh
Công chứng vi bằng hết bao nhiêu tiền sẽ do từng văn phòng thừa phát lại quy định và niêm yết công khai khung giá, do đó người có nhu cầu lập vi bằng cần tham khảo khung giá tại văn phòng thừa phát lại nơi định lập vi bằng, trên cơ sở đó khung giá đó thì bạn có thể thỏa thuận lại về chi phí lập vi bằng.
Quy định của pháp luật về chi phí công chứng vi bằng của Thừa phát lại
Vấn đề chi phí lập vi bằng được khá nhiều người quan tâm, tuy nhiên pháp luật chưa có quy định rõ ràng mà chỉ khái quát tại Điều 64 Nghị Định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại như sau:
“1. Chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án do người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận theo công việc thực hiện hoặc theo giờ làm việc.
2. Văn phòng Thừa phát lại quy định và phải niêm yết công khai chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án, trong đó xác định rõ mức tối đa, mức tối thiểu, nguyên tắc tính”
Theo quy định trên, không có bảng giá chung cho chi phí lập vi bằng, các văn phòng thừa phát lại tự quyết định phí dịch vụ và tiến hành niêm yết công khai.
Tuy nhiên, để đưa ra được mức chi phí lập vi bằng hợp lý, các văn phòng Thừa phát lại cũng cần căn cứ trên những cơ sở theo quy định pháp luật. Cụ thể như sau:
Nội dung công việc khách hàng yêu cầu lập vi bằng Thừa phát lại: Chi phí lập vi bằng không áp dụng theo cách tính dựa trên giá trị tài sản liên quan đến quá trình lập vi bằng như thủ tục công chứng nhưng tùy thuộc vào tính chất phức tạp của vụ việc cần lập mà chi phí này có thể cao hơn hoặc thấp hơn mức niêm yết.
Thời gian, công sức Thừa phát lại bỏ ra để hoàn thiện một vi bằng có độ dài 10 trang sẽ khác với những vi bằng hàng trăm trang.
Mặt khác, một số loại vi bằng đặc thù (hoặc theo sự yêu cầu của khách hàng) cần sử dụng các biện pháp nghiệp vụ riêng như ghi hình, đo đạc… cần công cụ hỗ trợ cũng làm tăng chi phí lập vi bằng so với các vụ việc thông thường.
Giờ làm việc của văn phòng Thừa phát lại: Tùy thuộc quy định của từng văn phòng mà giờ làm việc sẽ có sự thay đổi nhưng đều giao động quanh giờ làm việc hành chính của cơ quan nhà nước.
Do đó, nếu khách hàng vì lý do công việc hoặc lý do các nhân khác có nhu cầu lập vi bằng ngoài giờ hành chính hoặc lập vi bằng vào ngày lễ, ngày nghỉ thì chi phí lập vi bằng sẽ tăng thêm.
Các khoản chi phí thực tế phát sinh trong quá trình lập vi bằng: Phát sinh trong quá trình lập vi bằng chủ yếu đến từ các yếu tố như chi phí đi lại, chi phí cho người làm chứng, chi phí phải nộp cho cơ quan nhà nước (Nếu cần thu thập thông tin)…
Trên đây là các quy định của pháp luật về chi phí lập vi bằng Thừa phát lại được chúng tôi đưa ra và phân tích.
Nếu cần nắm rõ hơn về chi phí lập vi bằng đối với các trường hợp cụ thể, kính mời bạn đọc tìm hiểu trong phần tiếp theo của bài viết phí lập vi bằng hết bao nhiêu tiền.
Thủ tục công chứng vi bằng
Căn cứ điều Điều 39 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại quy định về thủ tục lập vi bằng như sau:
“ 1. Thừa phát lại phải trực tiếp chứng kiến, lập vi bằng và chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về vi bằng do mình lập.
Việc ghi nhận sự kiện, hành vi trong vi bằng phải khách quan, trung thực. Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng.
Người yêu cầu phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến việc lập vi bằng (nếu có) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, tài liệu cung cấp.
Khi lập vi bằng, Thừa phát lại phải giải thích rõ cho người yêu cầu về giá trị pháp lý của vi bằng. Người yêu cầu phải ký hoặc điểm chỉ vào vi bằng.
Vi bằng phải được Thừa phát lại ký vào từng trang, đóng dấu Văn phòng Thừa phát lại và ghi vào sổ vi bằng được lập theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.
Vi bằng phải được gửi cho người yêu cầu và được lưu trữ tại Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về lưu trữ như đối với văn bản công chứng.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc lập vi bằng, Văn phòng Thừa phát lại phải gửi vi bằng, tài liệu chứng minh (nếu có) đến Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở để vào sổ đăng ký. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng.
Sở Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu về vi bằng; thực hiện đăng ký và quản lý cơ sở dữ liệu về vi bằng theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.”
Như vậy, có thể thấy rằng thủ tục lập vi bằng được pháp luật quy định rất chặt chẽ, vi bằng phải được lập theo trình tự, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật.
Nếu vi bằng không đáp ứng các điều kiện luật định trong đó có điều kiện về thủ tục lập vi bằng thì vi bằng sẽ không được coi là hợp pháp và không có giá trị làm chứng cứ trước Tòa án.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Rong Ba về phí công chứng vi bằng. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu về phí công chứng vi bằng và những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm.