Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập có giá trị ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ khác.
Vậy lập vi bằng được quy định như thế nào. Bài viết về lập vi bằng của Công ty Luật Rong Ba giúp cho mọi người dễ dàng tiếp cận pháp luật về quy định này.
Vi bằng là gì
Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020.
Trên thực tế, vi bằng được chia làm 2 lại là vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi và vi bằng ghi nhận hiện trạng. Vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi được lập trong một số tình huống như:
Hành vi giao nhận tiền, tài sản; Hành vi giao hàng kém chất lượng; hành vi đưa tin vu không; Hành vi từ chối thực hiện công việc mà người đó có nghĩa vụ phải thực hiện…..
Vi bằng ghi nhận hiện trạng có thể lập khi các bên kết hôn, ly hôn hoặc trong trường hợp ghi nhận di sản thừa kế; Xác nhận tình trạng tài sản bị hư hỏng do hành vi của người khác; Tình trạng tài sản liền kề trước khi xây dựng công trình…
Vi bằng phải do chính Thừa phát lại lập bằng văn bản. Để đáp ứng điều kiện này, khi tiến hành lập vi bằng theo yêu cầu của khác hàng,
Thừa phát lại phải tự mình chứng kiến và ghi lại các thông tin cần thiết cho việc lập vi bằng điều này giúp đảm tính khách quan, trung thực.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp Thừa phát lại không có mặt trực tiếp để thực hiện các công việc khiến cho vi bằng không đáp ứng tính khách quan, trung thực, ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng.
Do đó, quy định pháp luật mới nhất có hiệu lực từ ngày 24/02/2020 không còn trực tiếp ghi nhận việc thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại có thể giúp Thừa phát lại thực hiện việc lập vi bằng, nhưng Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm về vi bằng do mình thực hiện.
Hiện nay, quy định mới bắt buộc Thừa phát lại phải trực tiếp chứng kiến, lập vi bằng và chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về vi bằng do mình lập.
Thủ tục lập vi bằng:
Tiếp nhận đơn yêu cầu lập vi bằng:
Khách hàng có nhu cầu lập vi bằng sẽ làm việc với thư ký nghiệp vụ. Thư ký nghiệp vụ tư vấn cho khách hàng về một số quy định pháp luật có liên quan đến vi bằng mà khách hàng muốn lập.
Tại đây, khách hàng điền nội dung yêu cầu lập vi bằng vào Phiếu yêu cầu lập vi bằng (theo mẫu). Thư ký nghiệp vụ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp của nội dung yêu cầu lập vi bằng và trình Thừa phát lại quyết định.
Thư ký nghiệp vụ đề nghị khách hàng điền vào Phiếu cung cấp thông tin (theo mẫu) những thông tin cần thiết liên quan đến việc lập vi bằng.
Trường hợp khách hàng yêu cầu lập vi bằng thông qua các phương tiện thông tin khác, Phiếu yêu cầu lập vi bằng, Phiếu cung cấp thông tin sẽ được thực hiện tại nơi khách hàng yêu cầu.
Thỏa thuận lập vi bằng
Khách hàng và Văn phòng Thừa phát lại tiến hành ký vào phiếu thỏa thuận lập vi bằng (theo mẫu), trong đó xác định: nội dung cần lập vi bằng, thời gian, địa điểm lập vi bằng, chi phí lập vi bằng… đồng thời tiến hành tạm ứng chi phí lập vi bằng.
Phiếu thỏa thuận lập vi bằng được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản. Thư ký nghiệp vụ ghi vào sổ theo dõi thỏa thuận lập vi bằng.
Tiến hành lập vi bằng
Vi bằng (theo mẫu) có thể được lập tại Văn phòng Thừa phát lại hoặc tại nơi mà khách hàng yêu cầu.
Trong trường hợp cần thiết hoặc theo yêu cầu của khách hàng, Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng, chứng kiến việc lập vi bằng hoặc yêu cầu nhà chuyên môn tham gia vào việc lập vi bằng.
Thừa phát lại sẽ mô tả cụ thể sự kiện, hành vi cần ghi nhận; tiến hành đo đạc, chụp ảnh, quay phim… trung thực, khách quan trong vi bằng.
Trước khi ký vào vi bằng, Thừa phát lại tự mình kiểm tra lại giấy tờ tùy thân của khách hàng, người bị lập vi bằng, người làm chứng… và yêu cầu những người tham gia, chứng kiến, người có hành vi bị lập vi bằng ký tên vào vi bằng.
Vi bằng được đóng số theo thứ tự thời gian, ghi vào sổ theo dõi vi bằng và được lập thành 03 bản chính.
Thanh lý thỏa thuận lập vi bằng
Trước khi giao vi bằng, thư ký nghiệp vụ đề nghị khách hàng ký vào sổ bàn giao vi bằng và thanh lý thỏa thuận lập vi bằng.
Khách hàng được giao một bản chính của vi bằng.
Cung cấp bản sao vi bằng
Bản sao vi bằng chỉ được cung cấp trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản về việc cung cấp bản sao vi bằng phục vụ cho việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến việc đã lập vi bằng. Văn bản về việc cung cấp bản sao vi bằng phải được lưu trong hồ sơ vi bằng.
Việc cấp bản sao vi bằng do Thừa phát lại đã thực hiện vi bằng quyết định, được thực hiện tại văn phòng Luật Rong Ba sau khi đối chiếu với bản chính và đóng dấu bản sao vi bằng, đồng thời được ghi vào sổ theo dõi vi bằng.
Quy định của pháp luật về chi phí lập vi bằng
Hiện nay, chi phí lập vi bằng vẫn chưa được pháp luật quy định cụ thể rõ ràng mà chỉ được quy định khái quát tại Điều 64 Nghị định 08/2020/NĐ-CP.
Theo đó, chi phí lập vi bằng do người yêu cầu lập vi bằng và Văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận theo công việc thực hiện hoặc theo giờ làm việc.
Như vậy, chi phí lập vi bằng sẽ phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, để đảm bảo khách quan, minh bạch Văn phòng Thừa phát lại có trách nhiệm quy định và phải niêm yết công khai chi phí lập vi bằng, trong đó xác định rõ mức tối đa, mức tối thiểu và nguyên tắc tính.
Tuy nhiên, để đưa ra được mức chi phí lập vi bằng hợp lý, các văn phòng Thừa phát lại cũng cần căn cứ trên những cơ sở theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:
Nội dung công việc người yêu cầu lập vi bằng: Chi phí lập vi bằng không áp dụng theo cách tính dựa trên giá trị tài sản liên quan đến quá trình lập vi bằng như thủ tục công chứng nhưng tùy thuộc vào tính chất phức tạp của vụ việc cần lập mà chi phí này có thể cao hơn hoặc thấp hơn mức niêm yết.
Thời gian, công sức Thừa phát lại bỏ ra để hoàn thiện một vi bằng có độ dài 10 trang sẽ khác với những vi bằng hàng trăm trang.
Mặt khác, một số loại vi bằng đặc thù (hoặc theo sự yêu cầu của khách hàng) cần sử dụng các biện pháp nghiệp vụ riêng như ghi hình, đo đạc… cần công cụ hỗ trợ cũng làm tăng chi phí lập vi bằng so với các vụ việc thông thường.
Giờ làm việc của văn phòng Thừa phát lại: Tùy thuộc quy định của từng văn phòng mà giờ làm việc sẽ có sự thay đổi nhưng đều dao động quanh giờ làm việc hành chính của cơ quan nhà nước.
Do đó, nếu khách hàng vì lý do công việc hoặc lý do các nhân khác có nhu cầu lập vi bằng ngoài giờ hành chính hoặc lập vi bằng vào ngày lễ, ngày nghỉ thì chi phí lập vi bằng sẽ tăng thêm.
Trên cơ sở chi phí đã niêm yết, người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại có thể thỏa thuận thêm về chi phí thực hiện theo công việc hoặc theo giờ làm việc và các khoản chi phí thực tế phát sinh bao gồm: Chi phí đi lại; phí dịch vụ cho các cơ quan cung cấp thông tin; chi phí cho người làm chứng, người tham gia hoặc chi phí khác (nếu có).
Giá trị pháp lý của vi bằng
Vi bằng được coi là hợp lệ khi được đăng ký tại Sở Tư pháp, có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Vi bằng chỉ ghi nhận nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi được ghi nhận và kèm theo vi bằng có thể có hình ảnh, băng hình và các tài liệu chứng minh khác.
Sở Tư pháp có quyền từ chối đăng ký nếu phát hiện thấy việc lập vi bằng không đúng thẩm quyền, không thuộc phạm vi lập vi bằng…
Vi bằng bị từ chối sẽ không có giá trị chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án; không là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 5 Điều 26 Nghị định 135/2013/NĐ-CP.
Lưu ý,
– Vi bằng không phải là văn bản công chứng, chứng thực;
– Vi bằng không chứng nhận, xác nhận tính hợp pháp của các hợp đồng, các giao dịch về nhà đất…
17 trường hợp nên lập vi bằng
Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại (Điều 25 Nghị định 135/2013/NĐ-CP).
Theo đó, những trường hợp sau lập vi bằng là cần thiết:
Stt |
Nội dung |
1 |
Xác nhận tình trạng nhà khi mua nhà |
2 |
Xác nhận tình trạng nhà trước khi cho thuê |
3 |
Xác nhận tình trạng nhà, đất bị lấn chiếm |
4 |
Xác nhận tình trạng nhà liền kề trước khi xây dựng công trình |
5 |
Xác nhận việc chiếm giữ nhà, trụ sở, tài sản khác trái pháp luật |
6 |
Xác nhận tình trạng tài sản trước khi ly hôn, thừa kế |
7 |
Xác nhận việc tổ chức cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông |
8 |
Xác nhận sự chậm trễ trong thi công công trình |
9 |
Xác nhận tình trạng công trình khi nghiệm thu |
10 |
Xác nhận các giao dịch mà theo quy định của pháp luật không thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng; những việc không thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp |
11 |
Xác nhận tình trạng thiệt hại của cá nhân, tổ chức do người khác gây ra |
12 |
Xác nhận việc giao hàng kém chất lượng |
13 |
Xác nhận hành vi cạnh tranh không lành mạnh |
14 |
Xác nhận hàng giả bày bán tại cơ sở kinh doanh, thương mại |
15 |
Xác nhận mức độ ô nhiễm |
16 |
Xác nhận việc từ chối thực hiện công việc của cá nhân, tổ chức mà theo quy định của pháp luật cá nhân, tổ chức đó phải thực hiện |
17 |
Xác nhận các hành vi trái pháp luật trong lĩnh vực tin học, báo chí, phát thanh, truyền hình như: đưa các thông tin không đúng sự thực; đưa thông tin khi chưa được phép người có thẩm quyền; vu khống… |
Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Rong Ba về lập vi bằng. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu về lập vi bằng và những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm.