Nhu cầu học thạc sĩ nước ngoài của giới trẻ Việt Nam ngày một tăng cao. Đây cũng là lý do khiến việc xin học bổng học cao học luôn là vấn đề được quan tâm trong vài năm trở lại đây.
Tuy nhiên để xin được học bổng hệ thạc sĩ thì không phải là điều dễ dàng đặc biệt là học bổng toàn phần. Dưới đây là những chia sẻ về kinh nghiệm học thạc sĩ của các chuyên gia từ LUẬT RONG BA để đạt được những học bổng giá trị cho bậc thạc sĩ. Hãy cùng chúng tôi theo dõi nhé!
TỔNG QUAN VỀ HỌC THẠC SĨ
Học cao học/ thạc sĩ là gì?
Học thạc sĩ (hay còn gọi là học cao học) là một khóa học dành cho các sinh viên đã tốt nghiệp đại học có mong muốn nâng cao kiến thức, khả năng chuyên môn để đi theo con đường học thuật hay tăng lợi thế trong thị trường tuyển dụng.
Học vị thạc sĩ là trình độ trên cử nhân và dưới tiến sĩ, có thể thấy đây là một bước đệm cần thiết nếu bạn có ý định học lên tiến sĩ.
Trong khóa học này, bạn sẽ được cung cấp những kiến thức chuyên sâu và trang vị kỹ năng, tố chất của một chuyên gia trong lĩnh vực mình đang theo đuổi.
Sau khi hoàn thành khóa học bạn có khả năng làm việc ở các vị trí nhân sự trong tổ chức, doanh nghiệp; trở thành một nhà nghiên cứu độc lập các vấn đề lý luận thực tiễn trong lĩnh vực đó; trở thành giảng viên các trường trung cấp, cao đẳng, đại học,…
Học vị thạc sĩ có giá trị như thế nào?
Học vị thạc sĩ (Master) là học vị có được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ, được cấp bằng thạc sĩ.
Học vị thạc sĩ thể hiện trình độ học thuật của người sở hữu nó. Những người muốn đi xa trên con đường học vấn và sự nghiệp đều sẽ học và theo đuổi tấm bằng thạc sĩ, rồi sau đó sẽ là tiến sĩ với đích đến cuối cùng là được phong (hoặc bổ nhiệm) làm giáo sư.
Như vậy có thể thấy học vị thạc sĩ là bước đệm quan trọng nếu bạn muốn tiến xa trên con đường học vấn. Ngoài ra, học vị thạc sĩ cũng là điều kiện đủ của một số công việc như các vị trí cấp cao trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp.
Điều kiện để học thạc sĩ?
Mỗi trường, mỗi chuyên ngành lại có những điều kiện khác nhau đối với học viên cao học, tuy nhiên có thể thấy các yêu cầu chung về trình độ và kinh nghiệm như sau:
Về trình độ: Để tham gia khóa học thạc sĩ, học viên cần có bằng đại học đúng chuyên ngành hoặc các ngành có liên quan. Ngoài ra một số trường yêu cầu học viên phải đạt bằng giỏi trở lên mới được học lên thạc sĩ.
Về kinh nghiệm: Những người tốt nghiệp đúng chuyên ngành được học lên thạc sĩ với điều kiện đạt bằng khá trở lên.
Với người học đúng ngành nhưng khác chuyên ngành, cần có ít nhất 1 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành đào tạo thạc sĩ. Đối với người học thạc sĩ trái ngành cần có ít nhất 2-3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực đó.
Các yêu cầu khác: Ngoài những yêu cầu trên, người học cần đáp ứng các tiêu chí phụ của từng trường về sức khỏe, chứng chỉ, trình độ ngoại ngữ,…
Học cao học trong bao lâu, mất bao nhiêu tiền
Đây có lẽ là điều băn khoăn nhất của bạn phải không? Ở đây tôi sẽ đề cập về thời gian học cũng như học phí các chương trình học thạc sĩ tại Việt Nam bạn nhé.
Theo Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT, thời gian của chương trình đào tạo thạc sĩ kéo dài từ 1-2 năm cụ thể như sau:
a) Tối thiểu 1 năm học đối với những ngành, chuyên ngành mà ở trình độ đại học có thời gian đào tạo từ 5 năm học trở lên và khối lượng kiến thức tích lũy được từ 150 tín chỉ trở lên;
b) Từ một năm rưỡi đến hai năm học đối với những ngành, chuyên ngành không thuộc quy định tại Điểm a, Khoản này;
c) Căn cứ vào quy định về chương trình đào tạo tại Khoản 3, Điều 20 Quy chế này, thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định cụ thể thời gian đào tạo, việc kéo dài thời gian đào tạo phù hợp với từng ngành, chuyên ngành đào tạo. Thời gian đào tạo kéo dài không được quá hai năm so với thời gian quy định tại Điểm a, b Khoản này.
Về học phí có sự chênh lệch khá nhiều phụ thuộc vào cơ sở đào tạo và chuyên ngành bạn theo học. Nhìn chung để có được tấm bằng thạc sĩ tại Việt Nam bạn phải chi ra từ 20-60 triệu/ năm cộng thêm các khoản phí ăn ở, đi lại khác.
Nên học cao học ở Việt Nam hay học ở nước ngoài?
Vấn đề cuối cùng tôi muốn bàn luận với bạn trong bài viết này là nên lựa chọn học thạc sĩ trong nước hay đi du học.
Người Việt Nam ta thường coi trọng bằng cấp nước ngoài vì thế mà không ít người chọn ra nước ngoài học tập.
Cũng không thể phủ nhận giá trị của tấm bằng thạc sĩ quốc tế có giá trị hơn so với bằng cấp ở Việt Nam. Bởi nếu như tấm bằng thạc sĩ quốc tế được công nhận rộng rãi ở nhiều nước và mang lại cơ hội làm việc tại nước ngoài cho bạn thì tấm bằng này ở nước ta có phần khiêm tốn hơn vì chỉ được công nhận tại một số ít quốc gia.
Ngoài sự công nhận về bằng cấp thì kiến thức ở 2 chương trình học này khác biệt không đáng kể: các tài liệu chuyên ngành Việt Nam cũng được chắt lọc, tổng hợp từ tài liệu nghiên cứu quốc tế, các giảng viên đa số học tập tại nước ngoài,…
Khi xem xét nên lựa chọn học ở đâu bạn cũng cần cân nhắc các yếu tố khác như tài chính, văn hóa.
Chắc chắn việc học tập, sinh sống tại nước ngoài không dễ dàng và chi phí bạn phải bỏ ra trong 2 năm đó cũng không hề nhỏ. So với thu nhập trung bình của người Việt thì học thạc sĩ trong nước có vẻ hợp lý hơn phải không nào?
CHIA SẺ KINH NGHIỆM HỌC THẠC SĨ Ở NƯỚC NGOÀI
Xác định chương trình học và ngành học.
Hiện nay trên thế giới có rất nhiều chương trình Thạc sĩ, mỗi chương trình hướng đến mỗi đối tượng và mục đích đào tạo khác nhau, có những yêu cầu và đặc điểm khác nhau về đầu vào, chương trình học, học phí,…
Do đó, việc đầu tiên cần làm khi muốn thực hiện giấc mơ du học là phải xác định được mục đích học của mình là gì và định hướng tương lai của mình.
Tìm hiểu về chương trình học bổng.
Bước tiếp theo là tìm hiểu về các chương trình học bổng. Dựa trên nhà tài trợ học bổng, các chương trình học bổng hiện nay có thể phân thành 2 loại chính: học bổng Chính phủ và học bổng trường Đại học
Học bổng chính phủ (HBCP):
+ Endeavour scholarships and fellowships: Đây là học bổng dựa trên thành tích học tập và các thành tích khác (Merit-based) và không yêu cầu kinh nghiệm.
+ Australia Awards: Đây là chương trình nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển. Do vậy, học bổng này yêu cầu ứng viên phải có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nhà nước và phải cam kết tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của quê nhà sau khi hoàn thành khóa học.
+ Fulbright của Mỹ và Chevening của Anh: Cả 2 chương trình học bổng này đều yêu cầu ít nhất 2 năm kinh nghiệm.
Học bổng của trường Đại học:
Học bổng của trường bao gồm nhiều loại với nhiều giá trị khác nhau. Cách tốt nhất để biết rõ thông tin là truy cập vào website hay gửi mail hỏi trực tiếp trường mà bạn muốn theo du học hoặc liên hệ với các trung tâm tư vấn du học như LUẬT RONG BA để nắm rõ hơn.
Chọn trường
Việc xác định chọn trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: danh tiếng, thứ hạng, mức học phí, sinh hoạt phí, ngành học mà mình quan tâm, hay chỉ đơn thuần là sở thích cá nhân đối với từng vùng, từng nước.
Thứ hạng của trường đóng một vai trò quan trọng trong quyết định lựa chọn nhưng không phải là tất cả, và một điều quan trọng cần lưu ý là chúng ta nên dựa vào thứ hạng của ngành học mà mình định nộp hồ sơ và nên ít phụ thuộc vào thứ hạng chung của trường (trong khi phần lớn chúng ta thường làm điều nguợc lại).
Tuy nhiên như đã đề cập ở phần đầu, việc chọn trường cần phù hợp mục đích cá nhân và mục tiêu dài hạn. Do vậy, thứ hạng là một yếu tố lựa chọn quan trọng, nhưng chắc chắn không phải là quan trọng nhất.
Ví dụ: tôi chọn trường này vì trường có “ranking” (thứ hạng) cao, có mấy giải Nobel, có bao nhiêu công trình nghiên cứu trên Nature hoặc Science.
Những thành tích đó không hề đảm bảo việc khóa học sẽ đem lại những kiến thức hay kĩ năng có ích. Ngoài ra lý giải này còn làm hồ sơ giải trình của bạn trở nên hời hợt, thiếu ấn tượng với ban học bổng.
Vậy ngoài yếu tố thứ hạng, bạn cần xem xét cẩn thận mức độ phù hợp của chương trình học đối với cá nhân cũng như các kế hoạch tương lai sau khi học.
Chuẩn bị hồ sơ.
Sau khi đã xác định rõ ràng về trường, ngành và các học bổng mong muốn thì việc chuẩn bị hồ sơ là bước tiếp theo và cần phải chuẩn bị càng sớm càng tốt.
Nên nắm bắt đầy đủ các thông tin về hồ sơ tại website của trường mà bạn muốn đi du học để chuẩn bị đầy đủ và kỹ lưỡng nhất. Thông thường thì một hồ sơ du học bao gồm các phần sau
Bảng điểm và Bằng tốt nghiệp (Undergraduate Transcript and Degree)
Điểm trung bình tích lũy (GPA) là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định việc bạn có được nhận hay không và có được học bổng hay không.
Yêu cầu về Tiếng Anh (English requirement)
Hiện nay đa phần các trường ở Mỹ đã chấp nhận IELTS. Ngoài TOEFL và IELTS, các trường còn chấp nhận PTE (của Mỹ) hay các chứng chỉ Cambridge (của Anh).
Phần lớn các chương trình học thạc sĩ yêu cầu mức điểm IELTS tối thiểu là 6.5 và không có thành phần nào dưới 6.0 (bạn có thể quy đổi mức điểm này ra các chứng chỉ khác để tham chiếu).
GMAT (Graduate Management Admissions Test) / GRE (Graduate Record Examination)
Đề thi chuẩn hóa (Standardized Test) là một yếu tố quan trọng khi nộp hồ sơ MBA, MiM, hay Msfin. Hầu hết các chương trình này chấp nhận cả GMAT và GRE. Tuy nhiên, các chương trình Thạc sĩ khác ngoài kinh doanh, quản lý, và tài chính thường chuộng GRE hơn.
Kinh nghiệm làm việc (Working experience)
Hầu hết các chương trình MBA và một số chương trình Msfin yêu cầu kinh nghiệm làm việc chính thức sau khi tốt nghiệp. Khi kinh nghiệm làm việc của bạn càng nhiều thì mức độ quan trọng của điểm GPA càng giảm đi.
Bảng giới thiệu cá nhân – CV
CV của bạn càng ngắn gọn càng tốt và không được vượt quá hai trang. Cách thức trình bày CV của bạn khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm chương trình mà bạn nộp hồ sơ cũng như thành tích và hoạt động của bạn.
Ví dụ như khi nộp hồ sơ cho chương trình MBA thì CV của bạn cần toát lên được khả năng lãnh đạo (Leadership)
Thư giới thiệu (Letter of Recommendation)
Thư giới thiệu là một thành phần đặc biệt trong bộ hồ sơ xin học bổng du học. Bạn nên nhờ những thầy cô thân thiết hoặc có mối quan hệ tốt với bạn để thư giới thiệu của bạn có thể gây ấn tượng tốt với ban xét duyệt.
Bài luận cá nhân (Personal Statement/ Motivation Letter)
Đây là thành phần trung tâm và quan trọng nhất của bộ hồ sơ xin xin nhập học và học bổng. Bài luận cần gắn kết tất cả những mảnh ghép của cuộc đời bạn để viết thành một câu chuyện liền mạch hài hòa bắt đầu từ quá khứ, đưa đến hiện tại, và dẫn đến những dự định trong tương lai. Độ dài tối đa của bài luận này không nên vượt quá 500 từ.
Lưu ý cuối cùng
Những trường nước ngoài họ cần tuyển vào những người có quyết tâm thật sự . Vì vậy, bạn cần tạo lập mối quan hệ và thiện cảm với họ ngay từ bước đầu của quá trình chuẩn bị hồ sơ thông qua trao đổi email.
Bạn nên chủ động liên hệ thường xuyên với bộ phận tuyển sinh của chương trình để tìm hiểu thêm về thông tin nhập học, học bổng,…
Bằng cách này, bạn tạo cho họ cảm giác bạn thật sự hứng thú với chương trình học tập và do đó tăng cơ hội được nhận vào cũng như giành được học bổng.
Trên đây là một số khía cạnh liên quan đến kinh nghiệm học thạc sĩ. Luật Rong Ba hy vọng bài viết trên đã có thể giúp quý khách hàng hiểu rõ hơn phần nào về kinh nghiệm học thạc sĩ.
Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tiến hành áp dụng pháp luật vào giải quyết công việc hoặc những tình huống phát sinh trong cuộc sống hàng ngày, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm.