Khác với việc công bố hợp chuẩn cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ,…của doanh nghiệp là hoạt động tự nguyện, không có sự bắt buộc của Nhà nước thì việc công bố hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình,…đặc thù lại là một yêu cầu bắt buộc đối với các cá nhân, tổ chức. Trong khuôn khổ bài tư vấn này, Luật Rong Ba chúng tôi sẽ giải đáp câu hỏi mà nhiều người đặt ra: Giấy chứng nhận hợp quy là gì?
- Giấy chứng nhận hợp quy là gì?
Giấy chứng nhận hợp quy là một chứng chỉ xác nhận sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp đấy đạt chất lượng và phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nằm trong danh mục quy định của Nhà nước thì tổ chức cần bắt buộc phải thực hiện nếu doanh nghiệp muốn hoạt động sản xuất và kinh doanh thuộc những đối tượng này.
Căn cứ kết quả đánh giá về sự phù hợp, tổ chức chứng nhận sẽ cấp 01 giấy chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật cho đối tượng đã được đánh giá và quyền sử dụng dấu hợp quy trên sản phẩm, hàng hóa, bao gói của sản phẩm, trong tài liệu của doanh nghiệp, trong tài liệu về sản phẩm, hàng hóa,… đã được chứng nhận hợp quy.
- Thông tin cần biết trên giấy hợp quy sản phẩm
- Logo tổ chức chứng nhận;
- Tên : GIẤY CHỨNG NHẬN HỢP QUY;
- Số hiệu chứng nhận;
- Loại chứng nhận : Chứng nhận sản phẩm;
- Loại sản phẩm cần chứng nhận hợp quy;
- Nhãn hiệu sản phẩm cần chứng nhận hợp quy;
- Tên tổ chức cần làm chứng nhận hợp quy;
- Địa chỉ: (bao gồm số điện thoại, fax, mã số doanh nghiệp/ số định danh các nhân);
- Địa chỉ cơ sở sản xuất: (mục này chỉ dành cho những cơ sở, doanh nghiệp sản xuất trong nước);
- Quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho sản phẩm cần chứng nhận hợp quy;
- Ngày ban hành;
- Ngày hết hiệu lực;
- Tên tổ chức chứng nhận;
- Dấu hợp quy (CR);
- Tài liệu gửi kèm;
- Cam kết, đại diện công ty, cá nhân đề nghị chứng nhận ký tên và đóng dấu.
Thời hạn giấy chứng nhận hợp quy bao lâu?
Giấy chứng nhận hợp quy có hiệu lực trong vòng 03 năm và doanh nghiệp phải thực hiện giám sát định kỳ. Hết hiệu lực, nếu doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục giấy chứng nhận đối với sản phẩm đó thì sẽ thực hiện thủ tục tái chứng nhận và trả phí đánh giá lại (chi phí tái chứng nhận sẽ thấp hơn chi phí cấp chứng nhận lần đầu). Đồng thời, doanh nghiệp cần phải chịu phí duy trì hiệu lực chứng nhận trong vòng 03 năm (tùy thuộc vào nhóm sản phẩm hàng hóa và độ phức tạp, quy mô, số lượng đánh giá giám sát khác nhau, thông thường trong 03 năm chứng nhận sẽ có là 02 lần đánh giá giám sát).
Dấu hợp quy (CR) là gì ?
Dấu hợp quy CR hay tem CR là dấu chứng nhận hợp quy do Nhà Nước ban hành. Sản phẩm có dán tem CR là những sản phẩm, hàng hóa hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan và được phép lưu thông trên thị trường. Quá trình kiểm định và chứng nhận để cấp dấu hợp quy phải được thực hiện bởi các tổ chức chứng nhận được Nhà Nước chỉ định.
Hình dạng và nội dung tem CR cũng được quy định nghiêm ngặt, theo đó, mỗi đơn vị sẽ có một tem CR với mã số khác nhau và chỉ được dùng cho đúng đơn vị đó. Thiết kế của dấu hợp quy CR theo quy định bao gồm chữ CR, tên của trung tâm chứng nhận, mã số của đơn vị sản xuất hoặc đơn vị được cấp phép sử dụng tem và mã số Quy chuẩn quốc gia (QCVN).
Có nên chứng nhận hợp quy sản phẩm không?
Như đã giới thiệu phía trên, hoạt động đánh giá sự phù hợp sản phầm hàng hóa là vô cùng cần thiết và quan trọng cho doanh nghiệp, 4 lý do mà tổ chức cần biết để đưa ra quyết định có nên thực hiện hợp quy hay không?
- Chứng nhận hợp quy sản phẩm giúp khách hàng hoàn thiện về mặt pháp lý, giúp cho nhà nước thuận lợi trong việc quản lý các loại sản phẩm đang lưu hành trên thị trường nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường giúp nâng cao chất lượng của sản phẩm, hàng hóa nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển;
- Tạo sự tin tưởng cho người sử dụng yên tâm khi sử dụng các sản phẩm đảm bảo yêu cầu chất lượng, có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường sinh thái;
- Thông qua hoạt động đánh giá, Giấy chứng nhận sẽ giúp các doanh nghiệp không ngừng hoàn thiện và phát triển hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm nhằm đem đến cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất;
- Việc chứng nhận hợp quy sẽ là tăng chất lượng sản phẩm luôn được ổn định và nâng cao giúp doanh nghiệp đẩy mạnh hơn nữa yêu cầu của quy chuẩn được sử dụng để đánh giá, chứng nhận.
Đối tượng cần chứng nhận hợp quy theo Quy định
Đối tượng bắt buộc phải có giấy chứng nhận hợp quy bao gồm các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người (nhóm sản phẩm thuộc danh mục nhóm 2).
Sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 này được quy định tại Điểm 4 Điều 3 Chương 1 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa như sau: Sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 là các sản phẩm, hàng hóa trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, vẫn tiềm ẩn những khả năng gây hại cho người, thực vật, động vật, tài sản, môi trường.
Để được xác nhận và kết luận mặt hàng, sản phẩm đủ tiêu chuẩn cần trải qua rất nhiều khâu. Qua đó mới có thể đánh giá một cách phù hợp và chính xác nhất. Đánh giá sự phù hợp và đáp ứng đủ điều kiện ở đây phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là việc đối tượng ấy phù hợp với đặc tính kỹ thuật và những quy định trong tiêu chuẩn tương ứng.
Các đối tượng chứng nhận hợp quy được chia ra thành nhiều nhóm khác nhau. Tùy vào tính chất và tiêu chí riêng để được đánh giá và kiểm tra. Một số các nhóm sản phẩm nổi bật như sau:
- Nhóm sản phẩm nông nghiệp: Thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc thú y, phân bón,…
- Nhóm vật liệu xây dựng: Các vật liệu như xi măng, nhôm kính, gỗ, các loại sơn,…
- Nhóm sản phẩm thông tin, truyền thông: Bao gồm các thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy vi tính, laptop, các thiết bị truyền thông khác,…
- Nhóm sản phẩm thuộc bộ quản lý khoa học công nghệ: Điện, điện tử, các loại đồ chơi dành cho trẻ em.
- Nhóm sản phẩm thực phẩm: Các loại đồ uống như sữa, rượu, bia,nước ngọt và các chất phụ gia thực phẩm;
- Nhóm thiết bị máy móc: Thang máy, thiết bị nâng hạ, hệ thống lạnh….
- Các nhóm sản phẩm khác theo quy định: như hợp quy giấy, hợp quy bàn ghế học sinh …
Phương thức đánh giá giấy chứng nhận hợp quy là gì?
Theo quy định Nhà nước, 8 phương thức được đưa ra và áp dụng cho từng loại sản phẩm hàng hóa như sau:
Phương thức 1: Thử nghiệm mẫu điển hình
Phương thức 1 thử nghiệm mẫu điển hình của sản phẩm, hàng hoá để kết luận về sự phù hợp. Kết luận về sự phù hợp có giá trị đối với kiểu, loại sản phẩm, hàng hoá đã được lấy mẫu thử nghiệm.
Nguyên tắc sử dụng phương thức 1: Phương thức 1 được sử dụng để đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá với các điều kiện sau:
Thiết kế của sản phẩm, hàng hoá cho phép xác định rõ sản phẩm, hàng hoá theo từng kiểu, loại đặc trưng;
Không tiến hành xem xét được các yêu cầu đảm bảo duy trì ổn định chất lượng.
Phương thức 2: Thử nghiệm mẫu điển hình kết hợp đánh giá quá trình sản xuất, giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy trên thị trường
Phương thức 2 căn cứ kết quả thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất để kết luận về sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá. Việc đánh giá giám sát sau đó được thực hiện thông qua thử nghiệm mẫu sản phẩm, hàng hoá lấy trên thị trường.
Nguyên tắc sử dụng phương thức 2: Phương thức 2 được sử dụng để đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá với các điều kiện sau:
Sản phẩm, hàng hoá thuộc diện có nguy cơ rủi ro về an toàn, sức khỏe, môi trường ở mức thấp;
Thiết kế của sản phẩm, hàng hoá cho phép xác định rõ sản phẩm, hàng hoá theo từng kiểu, loại đặc trưng;
Cần quan tâm tới việc duy trì ổn định các đặc tính chất lượng của sản phẩm, hàng hóa trong quá trình sản xuất;
Chất lượng của sản phẩm, hàng hoá có khả năng bị biến đổi trong quá trình phân phối lưu thông trên thị trường;
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hoá có các biện pháp hữu hiệu để thu hồi sản phẩm, hàng hóa từ thị trường khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa không phù hợp trong quá trình giám sát.
Phương thức 3: Thử nghiệm mẫu điển hình kết hợp đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất
Phương thức 3 căn cứ kết quả thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất để kết luận về sự phù hợp. Việc đánh giá giám sát được thực hiện thông qua thử nghiệm mẫu sản phẩm, hàng hoá lấy từ nơi sản xuất kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.
Nguyên tắc sử dụng phương thức 3: Phương thức 3 được sử dụng để đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá với các điều kiện sau:
Sản phẩm, hàng hoá thuộc diện có nguy cơ gây mất an toàn, sức khỏe, môi trường cao hơn so với sản phẩm, hàng hoá được đánh giá theo phương thức 2;
Thiết kế của sản phẩm, hàng hoá cho phép xác định rõ sản phẩm, hàng hoá theo từng kiểu, loại đặc trưng;
Cần quan tâm tới việc duy trì ổn định các đặc tính chất lượng của sản phẩm, hàng hóa trong quá trình sản xuất;
Chất lượng của sản phẩm, hàng hoá về bản chất ít hoặc không bị biến đổi trong quá trình phân phối lưu thông trên thị trường;
Khó có biện pháp hữu hiệu để thu hồi sản phẩm, hàng hóa từ thị trường khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa không phù hợp trong quá trình giám sát.
Phương thức 4: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất và trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất
Phương thức 4 căn cứ kết quả thử nghiệm điển hình và đánh giá quá trình sản xuất để kết luận về sự phù hợp. Việc đánh giá giám sát sau đó được thực hiện thông qua thử nghiệm mẫu sản phẩm, hàng hoá lấy từ nơi sản xuất và trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.
Nguyên tắc sử dụng Phương thức 4: Phương thức 4 được sử dụng để đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá với các điều kiện sau:
Sản phẩm, hàng hoá thuộc diện có nguy cơ gây mất an toàn, sức khỏe, môi trường cao hơn so với sản phẩm, hàng hoá được đánh giá sự phù hợp theo phương thức 3;
Thiết kế của sản phẩm, hàng hoá cho phép xác định rõ sản phẩm, hàng hoá theo từng kiểu, loại đặc trưng;
Cần quan tâm tới việc duy trì ổn định các đặc tính chất lượng của sản phẩm, hàng hóa trong quá trình sản xuất;
Chất lượng của sản phẩm, hàng hoá có khả năng mất ổn định trong quá trình sản xuất và bị biến đổi trong quá trình phân phối lưu thông trên thị trường;
Có biện pháp cho phép thu hồi sản phẩm, hàng hóa từ thị trường khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa không phù hợp trong quá trình giám sát.
Phương thức 5: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất
Phương thức 5 căn cứ kết quả thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất để kết luận về sự phù hợp. Việc đánh giá giám sát được thực hiện thông qua việc thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc mẫu lấy trên thị trường kết hợp đánh giá quá trình sản xuất.
Nguyên tắc sử dụng Phương thức 5: Phương thức 5 được sử dụng để đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá với các điều kiện:
Cần sử dụng một phương thức có độ tin cậy cao như phương thức 4 nhưng cho phép linh hoạt trong việc sử dụng các biện pháp giám sát để giảm được chi phí;
Cần sử dụng một phương thức được áp dụng phổ biến nhằm hướng tới việc thừa nhận lẫn nhau các kết quả đánh giá sự phù hợp.
Phương thức 6: Đánh giá và giám sát hệ thống quản lý
Phương thức 6 căn cứ vào việc đánh giá hệ thống quản lý để kết luận về sự phù hợp của hệ thống quản lý với quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Nguyên tắc sử dụng Phương thức 6: Phương thức 6 được sử dụng để đánh giá sự phù hợp của các quá trình, dịch vụ, môi trường có hệ thống quản lý theo các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Phương thức 7: thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hoá
Phương thức 7 căn cứ kết quả thử nghiệm mẫu sản phẩm, hàng hoá được lấy theo phương pháp xác suất thống kê cho lô sản phẩm, hàng hoá để ra kết luận về sự phù hợp của lô. Kết luận về sự phù hợp chỉ có giá trị cho lô sản phẩm, hàng hóa cụ thể và không cần thực hiện các biện pháp giám sát tiếp theo.
Nguyên tắc sử dụng Phương thức 7: Phương thức 7 được sử dụng để đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá với các điều kiện:
Sản phẩm, hàng hoá được phân định theo lô đồng nhất;
Không tiến hành xem xét được các yêu cầu đảm bảo duy trì ổn định chất lượng.
Phương thức 8: Thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm, hàng hoá
Phương thức 8 căn cứ kết quả thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm, hàng hoá để kết luận về sự phù hợp trước khi đưa ra lưu thông, sử dụng. Kết luận về sự phù hợp chỉ có giá trị cho từng sản phẩm, hàng hoá đơn chiếc và không cần thực hiện các biện pháp giám sát tiếp theo.
Nguyên tắc sử dụng của Phương thức 8: Phương thức 8 được sử dụng để đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn trước khi đưa vào lưu thông, sử dụng.
Tại Việt Nam, phương thức thứ 1, thứ 5, thứ 7 được sử dụng phổ biến cho sản phẩm hàng hóa được sản xuất trong nước và đối với hàng nhập khẩu.
Trên đây là một số khía cạnh liên quan đến giấy chứng nhận hợp quy là gì. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tiến hành áp dụng những tiêu chuẩn của chứng nhận này, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm.