Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những khoản đóng góp phải trích từ tiền lương tháng của người lao động. Vậy mức đóng bảo hiểm thất nghiệp là bao nhiêu? Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn tham khảo về vấn đề đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Căn cứ pháp lý:
Luật Việc làm năm 2013
Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp
Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Quyết định 595/QĐ-BHXH:
Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động trong các doanh nghiệp bằng 1% tiền lương tháng. Trong đó:
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trường hợp mức tiền lương tháng của người lao động cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng.
Như vậy, có thể xác định mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối thiểu và tối đa của người lao động trong năm 2020 như sau:
Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối thiểu
Điểm 2.6 khoản 2 Điều 6 Quyết định 595 quy định, mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc:
– Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.
– Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc phải qua học nghề, đào tạo nghề.
– Cao hơn ít nhất 5% đối với người làm công việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 7% đối với người làm công việc trong điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm so với mức lương của công việc có độ phức tạp tương đương trong điều kiện lao động bình thường.
Khi áp dụng mức lương tối thiểu vùng năm 2020 tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP, mức lương tháng tối thiểu để đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ là:
Đơn vị tính: đồng/tháng
Vùng |
Người làm việc trong điều kiện bình thường |
Người đã qua học nghề, đào tạo nghề |
Người làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm |
Người làm việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm |
Vùng I |
4.420.000 |
4.729.400 |
4.641.000 |
4.729.400 |
Vùng II |
3.920.000 |
4.194.400 |
4.116.000 |
4.194.400 |
Vùng III |
3.430.000 |
3.670.100 |
3.601.500 |
3.670.100 |
Vùng IV |
3.070.000 |
3.284.900 |
3.223.500 |
3.284.900 |
Lúc này, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối thiểu năm 2020 phải bằng:
Đơn vị tính: đồng/tháng
Vùng |
Người làm việc trong điều kiện bình thường |
Người đã qua học nghề, đào tạo nghề |
Người làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm |
Người làm việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm |
Vùng I |
44.200 |
47.294 |
46.410 |
47.294 |
Vùng II |
39.200 |
41.944 |
41.160 |
41.944 |
Vùng III |
34.300 |
36.701 |
36.015 |
36.701 |
Vùng IV |
30.700 |
32.849 |
32.235 |
32.849 |
Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa
Khoản 2 Điều 15 Quyết định 595 nêu rõ:
Trường hợp mức lương tháng của người lao động cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng.
Cụ thể, mức lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp và mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa năm 2020:
Đơn vị tính: đồng/tháng
Vùng |
Mức lương tháng tối đa đóng bảo hiểm thất nghiệp |
Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa |
Vùng I |
88.400.000 |
884.000 |
Vùng II |
78.400.000 |
784.000 |
Vùng III |
68.600.000 |
686.000 |
Vùng IV |
61.400.000 |
614.000 |
Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:
Chấm dứt hợp đồng lao động trừ các trường hợp: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động không xác định thời hạn; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
Người lao động chết.