Khi muốn thành lập doanh nghiệp thì nhất định bạn sẽ phải tiêu tốn một khoản tiền để thực hiện các thủ tục hành chính.
Điều này đã dẫn đến quan niệm, vậy không đăng ký thành lập doanh nghiệp có được không; nếu không đăng ký thành lập sẽ bị xử lý như thế nào;….và trên thực tiễn cũng đã có rất nhiều doanh nghiệp thành lập, tồn tại và hoạt động nhưng không có giấy đăng ký hợp pháp.
Vì vậy, trong bài viết này Rong Ba Group sẽ giải đáp thắc mắc liên quan đến trách nhiệm đăng ký thành lập doanh nghiệp; và hướng dẫn thực hiện hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp; tiến hành đăng ký ở đâu;…. Hãy cùng theo dõi nhé.
Đăng ký thành lập doanh nghiệp là gì
Trong các văn bản pháp luật hiện hành, không có quy định nào giải thích về cụm từ đăng ký thành lập doanh nghiệp nhưng lại có quy định giải thích việc đăng ký doanh nghiệp nói chung.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp về giải thích từ ngữ có nội dung như sau
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
Đăng ký doanh nghiệp là việc người thành lập doanh nghiệp đăng ký thông tin về doanh nghiệp dự kiến thành lập, doanh nghiệp đăng ký những thay đổi hoặc dự kiến thay đổi trong thông tin về đăng ký doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Đăng ký doanh nghiệp bao gồm đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp và các nghĩa vụ đăng ký, thông báo khác theo quy định của Nghị định này.
Theo đó, đăng ký thành lập doanh nghiệp là trách nhiệm của chủ thể dự định thành lập doanh nghiệp mới phải tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật doanh nghiệp để doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thể hiện sự tồn tại hợp pháp của doanh nghiệp đó.
Việc đăng ký này có thể do chính tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện và sẽ phải có giấy ủy quyền hợp lệ.
Có bắt buộc phải đăng ký thành lập doanh nghiệp hay không
Nhiều người có nhu cầu thành lập doanh nghiệp nhưng lại e ngại về các thủ tục hành chính quá phức tạp hoặc tốn kém chi phí nên họ thường lựa chọn cách thức thành lập công ty bất hợp pháp, nghĩa là không thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định.
Tuy nhiên, việc thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp là bắt buộc để doanh nghiệp được khai sinh hợp pháp.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 5 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về quyền thành lập doanh nghiệp và nghĩa vụ đăng ký doanh nghiệp của người thành lập doanh nghiệp như sau
Điều 5. Quyền thành lập doanh nghiệp và nghĩa vụ đăng ký doanh nghiệp của người thành lập doanh nghiệp
Thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật là quyền của cá nhân, tổ chức và được Nhà nước bảo hộ.
Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Trường hợp tổ chức cá nhân thành lập doanh nghiệp nhưng không thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan có thẩm quyền thì sẽ bị xử phạt theo quy định.
Căn cứ vào điểm c khoản 4 Điều 28 Nghị định 50/2-16/NĐ-CP về vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp với nội dung như sau phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Như vậy, tổ chức, cá nhân có quyền thành lập doanh nghiệp thì cũng phải tuân thủ nghĩa vụ của mình và một trong những nghĩa vụ đầu tiên khi muốn thành lập doanh nghiệp chính là thực hiện thủ tục khai sinh cho nó – đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định pháp luật. Đây là một trong những nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện.
Ngoài ra, việc tuân thủ các quy định về đăng ký thành lập doanh nghiệp còn đem lại cho tổ chức, cá nhân đó những lợi ích cụ thể như sau
Sự bảo đảm của nhà nước: Một chủ thể kinh doanh khi họ đăng ký kinh doanh tức là tồn tại dưới dạng một tổ chức – được thành lập và hoạt động một cách hợp pháp theo luật kinh doanh.
Khi đó, bất kì một hoạt động kinh doanh nào của tổ chức này đều được hợp pháp hóa một cách công khai và minh bạch. Tức là mọi quyền lợi của doanh nghiệp đều nhận được sự bảo hộ của pháp luật theo đúng quy định.
Lòng tin của khách hàng: Việc thành lập doanh nghiệp và hoạt động một cách hợp pháp còn là bằng chứng về tính chịu trách nhiệm của đơn vị kinh doanh đó với khách hàng.
Bất kì một hoạt động thương mại nào của cơ sở đó nếu có sự vi phạm đều phải chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước và khách hàng, điều đó tạo được lòng tin của khách hàng với cơ sở đã được đăng ký kinh doanh.
Lòng tin của nhà đầu tư: Các chủ thể kinh doanh đều phải tìm kiếm và phát triển thị trường. Để làm được điều đó họ cần phải có một nguồn vốn nhất định.
Các nhà đầu tư là đối tượng mà các chủ thể kinh doanh, các công ty – doanh nghiệp hướng đến. Điều đầu tiên, các nhà đầu tư quan tâm đó là tư cách tiến hành các hoạt động hợp pháp. Điều đó, chỉ xảy ra khi bạn đã đăng ký doanh nghiệp.
Đăng ký thành lập doanh nghiệp ở đâu
Đây cũng là một trong những câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm nhất, việc hiểu rõ về nơi mà mình sẽ thực hiện thủ tục này sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chính xác và hiệu quả. Vậy đăng ký thành lập doanh nghiệp ở đâu.
Theo Luật Doanh Nghiệp 2014 quy định về việc thành lập doanh nghiệp thì bạn cần phải nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và cấp giấy chứng nhận, và các cơ quan nhà nước đó được gọi là Cơ quan đăng ký kinh doanh trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Các cơ quan đăng ký kinh doanh này được tổ chức ở tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương, ngoài ra còn có các phòng đăng ký kinh doanh ở các quận huyện trực thuộc tỉnh.
Đây là mấu chốt của việc thành lập doanh nghiệp, bạn có vốn, bạn đã hoàn thành đầy đủ thủ tục nhưng bạn chưa được cấp phép chứng nhận thành lập doanh nghiệp thi cũng vô dụng.
Do đó, việc tìm hiểu và hoàn thành các thủ tục cần thiết để đăng ký chứng nhận thành lập doanh nghiệp và tìm hiểu xem cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng nhất của người chủ doanh nghiệp.
Ở nước ta, các cơ quan hành chính được phân theo cấp thành phố và tỉnh, cấp huyện và cuối cùng là phường, xã.
Tuy nhiên các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt thành lập doanh nghiệp đều chỉ được thành lập ở cấp huyện và cấp tỉnh.
Ở cấp huyện, quận, thị xã, thị trấn trực thuộc tỉnh là các Phòng đăng ký kinh doanh trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Còn cấp tỉnh thì có các Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, tất nhiên cũng trực thuộc Sở Kế Hoạch và Đầu tư. Người muốn nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp có thể liên hệ với các Phòng Đăng ký kinh doanh ở địa phương mà doanh nghiệp mình đặt trụ sở chính.
Căn cứ theo Điều 13 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về cơ quan đăng ký kinh doanh
Điều 13. Cơ quan đăng ký kinh doanh
Cơ quan đăng ký kinh doanh được tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), bao gồm:
a) Ở cấp tỉnh: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (sau đây gọi chung là Phòng Đăng ký kinh doanh).
Phòng Đăng ký kinh doanh có thể tổ chức các điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc Phòng Đăng ký kinh doanh tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn cấp tỉnh.
Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có thể thành lập thêm một hoặc hai Phòng Đăng ký kinh doanh và được đánh số theo thứ tự.
Việc thành lập thêm Phòng Đăng ký kinh doanh do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
b) Ở cấp huyện: Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ đăng ký hộ kinh doanh quy định tại Điều 15 Nghị định này (sau đây gọi chung là cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện).
Cơ quan đăng ký kinh doanh có tài khoản và con dấu riêng.
Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet ngày nay, chúng ta không cần phải trực tiếp liên hệ với các trụ sở như nêu trên, mà chúng ta có thể đăng ký thành lập doanh nghiệp online thông qua trang chủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Còn nếu bạn vẫn không thể hoàn tất các thủ tục và cảm thấy nó quá khó khăn, thì bạn có thể liên hệ với các văn phòng luật sư hoặc các công ty luật để được tư vấn về các dịch vụ thành lập doanh nghiệp trọn gói, khi đó bạn chỉ cần cung cấp thông tin và hồ sơ thì các văn phòng luật sẽ đăng ký giấy chứng nhận kinh doanh giùm bạn, và bạn chỉ cần lên Phòng đăng ký kinh doanh ở địa phương mà doanh nghiệp của bạn đăng ký trụ sở chính một lần duy nhất để nhận giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Như vậy, nói chung là khi đăng ký một ngành nghề kinh doanh nào đó, cũng như khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, bạn phải liên hệ với Phòng đăng ký kinh doanh ở địa phương mà doanh nghiệp bạn đặt trụ sở, Phòng đăng ký kinh doanh này trực thuộc với Sở Kế hoạch và Đầu tư để nộp hồ sơ và chờ xét duyệt để được cấp giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp.
Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp
Khi bạn đã đáp ứng các điều kiện để được thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật thì bước tiếp theo là bạn cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp để nộp tới cơ quan có thẩm quyền.
Theo quy định pháp luật có rất nhiều các loiaj hình doanh nghiệp khác nhau từ doanh nghiệp tư nhân cho đến công ty cổ phần.
Với mỗi loại hình doanh nghiệp pháp luật quy định về bộ hồ sơ khác nhau do tính chất khác nhau của các doanh nghiệp.
Hồ sơ thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn
1 Giấy đề nghị thành lập doanh nghiệp kê khai đầy đủ thông tin theo mẫu được quy định
1 Bản điều lệ công ty
1 Bản danh sách thành viên (Ghi rõ Họ tên; Giới tính; Ngày sinh; Dân tộc; Quốc tịch; CMND hoặc Hộ chiếu; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; Nơi ở hiện tại; Số vốn góp; Chức vụ trong công ty (nếu có))
Nếu thành viên là cá nhân sẽ phải photo CMND/thẻ căn cước hoặc hộ chiếu (1 bản)
Nếu thành viên là tổ chức sẽ phải photo giấy đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu có giá trị tương đương (1 bản).
Hồ sơ thành lập Công ty Cổ phần
1 Giấy đề nghị thành lập công ty cổ phần kê khai đầy đủ thông tin theo mẫu được quy định
1 Bản điều lệ công ty
1 Bản danh sách cổ đông sáng lập (Ghi rõ Họ tên; Giới tính; Ngày sinh; Dân tộc; Quốc tịch; CMND hoặc Hộ chiếu; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; Nơi ở hiện tại; Số vốn góp; Chức vụ trong công ty (nếu có))
Nếu cổ đông là cá nhân sẽ phải photo CMND hoặc hộ chiếu (1 bản)
Nếu cổ đông là tổ chức sẽ phải photo giấy đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu có giá trị tương đương (1 bản)
Nếu là nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải photo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Với việc hoàn thiện những hồ sơ nêu trên, thủ tục thành lập công ty của quý khách hàng đã thành công một nửa.
Hồ sơ thành lập Công ty hợp danh
1 Giấy đề nghị thành lập công ty kê khai đầy đủ thông tin theo mẫu được quy định
1 Bản điều lệ công ty
1 Bản danh sách thành viên (Ghi rõ Họ tên; Giới tính; Ngày sinh; Dân tộc; Quốc tịch; CMND hoặc Hộ chiếu; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; Nơi ở hiện tại; Số vốn góp; Chức vụ trong công ty (nếu có))
1 Bản sao hộ chiếu hoặc CMND thành viên
Hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân
1 Giấy đề nghị thành lập công ty kê khai đầy đủ thông tin theo mẫu được quy định
1 Bản sao CMND hoặc hộ chiếu chủ doanh nghiệp tư nhân
Nhìn chung, để đăng ký thành lập doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp cần phải chuẩn bị bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ như: (i) Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh theo mẫu thống nhất do cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền quy định; (ii) Danh sách thành viên (đối với công ty hợp danh, công ty TNHH), danh sách cổ đông sáng lập (đối với công ty cổ phần); (iii) Giấy tờ chứng thực cá nhân/tổ chức của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên, cổ đông sáng lập; (iv) Điều lệ công ty (đối với công ty hợp danh, công ty TNHH, công ty CP).
Như vậy, hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 đã có sự phân hóa về mặt loại hình doanh nghiệp dự định đăng ký và được đánh giá là tương đối chặt chẽ. Với mỗi loại hình doanh nghiệp khác nhau thì hồ sơ đăng ký thành lập là khác nhau.
Luật Doanh nghiệp 2014 đồng thời cũng quy định rõ ràng nội dung của các loại giấy tờ như: Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh, Điều lệ công ty, danh sách thành viên và danh sách cổ đông.
Doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và tự kê khai hồ sơ đăng ký, chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của mình khi nộp cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
Một trong những điểm mới nổi bật của Luật Doanh nghiệp năm 2014 là đơn giản hóa thành phần hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Theo quy định trước đây tại Luật Doanh nghiệp năm 2005, đối với doanh nghiệp khi kinh doanh các ngành, nghề mà luật, pháp lệnh hoặc nghị định đòi hỏi phải có vốn pháp định hoặc chứng chỉ hành nghề, thì doanh nghiệp đó chỉ được đăng ký kinh doanh khi có đủ vốn hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp về bản chất là việc ghi nhận sự ra đời, công nhận về mặt pháp lý sự xuất hiện của doanh nghiệp trên thị trường.
Điều này cũng tương tự như việc cấp giấy khai sinh cho một đứa trẻ hoặc cấp chứng minh thư nhân dân cho công dân.
Các yêu cầu về vốn pháp định và chứng chỉ hành nghề chỉ nên được coi là điều kiện kinh doanh để doanh nghiệp được hoạt động.
Quy định như Luật Doanh nghiệp 2005 đã tỏ ra không hợp lý, không có hiệu lực quản lý nhà nước, gây ra khó khăn, tốn kém không cần thiết cho nhà đầu tư khi thành lập mới doanh nghiệp.
Do vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bỏ yêu cầu về các điều kiện kinh doanh trong thành phần hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Theo đó, tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp không phải đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp được phép kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kể từ khi đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp được quy định như thế nào
Trình tự, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp được quy định cụ thể tại Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2014, theo đó, việc đăng ký doanh nghiệp được tiến hành tại cơ quan đăng ký kinh doanh, bao gồm các bước cụ thể sau:
Bước 1. Nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp
Người thành lập doanh nghiệp nộp đủ hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật này tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền (Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh) và phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của nội dung hồ sơ.
Quy định này nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật, tính tự giác, tự chịu trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi có nhu cầu gia nhập thị trường, đồng thời, việc giảm trách nhiệm thẩm định hồ sơ của cơ quan đăng ký kinh doanh cho phép rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Bước 2. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp
Việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp thực hiện bằng việc cơ quan đăng ký kinh doanh ghi vào sổ hồ sơ tiếp nhận của cơ quan mình, đồng thời trao cho người thành lập Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ hợp lệ.
Thời điểm tiếp nhận hồ sơ hợp lệ được coi là căn cứ để xác định thời hạn thực hiện trách nhiệm đăng ký doanh nghiệp của cơ quan đăng ký kinh doanh.
Cũng chính vì thế mà giấy biên nhận về việc tiếp nhận hồ sơ là cơ sở pháp lý để người thành lập doanh nghiệp có thể thực hiện quyền khiếu nại của mình trong trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh không cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo đúng thời hạn và không có thông báo về việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Bước 3. Xem xét tính hợp lệ hồ sơ đăng ký và cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ; nếu từ chối cấp Giấy thì thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung.
Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét và chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; không được yêu cầu người thành lập doanh nghiệp nộp thêm các giấy tờ khác không quy định tại Luật này.
Trước khi Luật Doanh nghiệp 2014 được ban hành, thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là 5 ngày làm việc trong đó có 2 ngày để cơ quan thuế cấp mã số doanh nghiệp, 3 ngày để cơ quan đăng ký kinh doanh tiếp nhận, xử lý hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Với cơ chế này, việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải phụ thuộc vào việc chờ cấp mã số doanh nghiệp từ cơ quan thuế, làm kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính.
Để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp tham gia thị trường, Luật Doanh nghiệp 2014 đã giảm thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp còn xuống còn tối đa 3 ngày làm việc.
Cụ thể hóa quy định nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC hướng dẫn việc trao đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp, thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp và thông tin về báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Theo đó, Hệ thống đăng ký thuế tự động tạo mã số thuế mà không cần sự kiểm tra, xem xét của cán bộ đăng ký thuế.
Có thể nói rằng, cải cách thể chế kinh tế thị trường, phát huy vai trò kiến tạo phát triển của Nhà nước đi đôi với phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra.
Trong bối cảnh Chính phủ đang quyết tâm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, những cải cách của Luật Doanh nghiệp 2014 đã và đang tạo ra những bước chuyển biến mạnh mẽ để nền kinh tế nước ta có thể bứt phá trong giai đoạn tới đây.
Trên đây là những phân tích về các vấn đề liên quan đến việc đăng ký thành lập doanh nghiệp để bạn đọc tham khảo. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào hãy liên hệ với chúng tôi để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất nhé.