Căn cước công dân và chứng minh nhân dân

căn cước công dân và chứng minh nhân dân

Căn cước công dân và Chứng minh nhân dân đều là các loại giấy tờ tùy thân được cơ quan có thẩm quyền cấp thể hiện những thông tin cơ bản nhất của mỗi cá nhân. Hiện nay, có nhiều độc giả có thắc mắc rằng hai loại giấy tờ này có gì khác nhau và có thể dùng song song được hay không? Hãy cùng Luật Rong Ba tìm hiểu qua bài viết dưới đây để biết thêm những thông tin hữu ích nhé!

Chứng minh nhân dân là gì?

Chứng minh nhân dân được định nghĩa tại Điều 1 Nghị định 05/1999/NĐ-CP của Chính phủ về Chứng minh nhân dân là “một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam”.

Căn cước công dân là gì?

Căn cước công dân được định nghĩa tại khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân 2014 là “thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này”.

Dãy số trên thẻ căn cước công dân chính là mã số định danh cá nhân được cấp cho mỗi một công dân Việt Nam, hoàn toàn không trùng lặp với người khác.

Khác với Chứng minh nhân dân, trên thẻ Căn cước công dân không có các mục Họ và tên gọi khác, mục Dân tộc được thay bằng mục Quốc tịch, dấu hình Công an hiệu đã được thay thế bằng dấu có hình Quốc huy của cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ Căn cước công dân. 

Thời hạn của Căn cước công dân và Chứng minh nhân dân thế nào?

Đối với Chứng minh nhân dân, thời hạn sử dụng là 15 năm kể từ ngày cấp.

Khác với thẻ Chứng minh nhân dân, thời hạn của thẻ Căn cước công dân được quy định theo các mốc độ tuổi của công dân. Cụ thể, sau lần cấp thẻ Căn cước công dân đầu tiên, công dân phải thực hiện thủ tục đổi thẻ Căn cước công dân khi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Tuy nhiên, nếu công dân đã thực hiện thủ tục đổi thẻ Căn cước công dân trong vòng 2 năm trước khi đến các mốc trên thì thẻ có giá trị như khi làm thẻ tại các mốc độ tuổi quy định. Ví dụ, năm 24 tuổi, người dân làm thủ tục thẻ Căn cước công dân thì thời hạn của thẻ này sẽ là đến khi công dân đủ 40 tuổi và không phải đổi thẻ khi đủ 25 tuổi nữa. 

Giá trị sử dụng Chứng minh nhân dân và thẻ Căn cước công dân thế nào?

Theo quy định, Chứng minh nhân dân chỉ có giá trị để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. 

Còn Căn cước công dân có thể được sử dụng thay cho Hộ chiếu ở một nước ngoài lãnh thổ Việt Nam trong những trường hợp Việt Nam và quốc gia đó ký kết Điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân của nước ký kết được phép sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho Hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau. 

Có thể sử dụng song song thẻ Chứng minh nhân dân với thẻ Căn cước công dân được không?

Theo quy định hiện hành thì thẻ Chứng minh nhân dân của công dân có thể được sử dụng đến hết thời hạn hoặc công dân có thể đổi sang thẻ Căn cước công dân để thuận tiện cho giao dịch hàng ngày và giá trị pháp lý của hai loại giấy tờ này như nhau.

Trước đây, khi thực hiện thủ tục đổi từ Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân, thẻ Chứng minh nhân dân cũ của công dân sẽ được cắt góc và giao lại cho công dân quản lý để thuận tiện cho việc giao dịch của công dân, là căn cứ để thay đổi thông tin của công dân trong các hoạt động liên quan để hợp đồng, giao dịch ngân hàng, chuyển nhượng tài sản… 

Tuy nhiên, hiện nay khi thực hiện thủ tục đổi từ thẻ Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân thì Chứng minh nhân dân cũ sẽ bị thu lại và sẽ được cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân nếu công dân có yêu cầu.

Trong trường hợp Chứng minh nhân dân đã bị hỏng, bong tróc, không rõ nét hoặc bị mất hoặc khi công dân có yêu cầu, cơ quan cấp thẻ Căn cước công dân sẽ cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân để thuận tiện cho việc giao dịch có sự chuyển đổi từ số Chứng minh nhân dân cũ sang số Căn cước công dân mới.

Theo quy trình trên, việc thu lại CMND cũ ngay sau khi cấp CCCD gắn chip là bắt buộc. CMND bị thu lại nghĩa là đã bị hủy giá trị, thẻ không còn giá trị pháp lý và cơ quan có thẩm quyền không cho phép người dân sử dụng.

Đối với trường hợp bị “quên” thu lại, đây là lỗi của cá nhân cán bộ quản lý CCCD hoặc của nhân viên bưu điện hoặc do cán bộ Công an tạo điều kiện cho người dân có thẻ để sử dụng trong khi chờ CCCD gắn chip. Vì thế, khi đã có CCD gắn chip thì người dân không được sử dụng CMND cũ nữa dù CMND cũ chưa bị thu lại bởi pháp luật lại không công nhận giá trị sử dụng của thẻ này.

Có được dùng Chứng minh thư khi đã có Căn cước công dân?

Chứng minh nhân dân và Căn cước công đều có giá trị chứng minh nhân thân của một người khi tham gia các giao dịch dân sự hay thực hiện thủ tục hành chính, vì vậy, nhiều người may mắn được giữ cả Chứng minh nhân dân cũ và thẻ Căn cước thắc mắc: Có được dùng Chứng minh thư khi đã có Căn cước công dân?

Đối với các trường hợp chỉ dùng để đối chiếu, nhận dạng nhân thân và không cần ghi lại số Chứng minh nhân dân thì việc sử dụng Chứng minh cũ hầu như không có ảnh hưởng gì.

Tuy nhiên, nếu sử dụng Chứng minh thư cũ hết hiệu lực để tham gia các hợp đồng, giao dịch hoặc thực hiện thủ tục hành chính, người dùng rất có thể sẽ gặp phải rủi ro pháp lý về sau. Ví dụ như hợp đồng đã ký kết sử dụng Chứng minh nhân dân hết hiệu lực sẽ bị vô hiệu.

Vì vậy, người dân chỉ nên dùng duy nhất Căn cước công dân mới làm trong tất cả các giao dịch, thủ tục để đảm bảo thống nhất thông tin và tránh rủi ro, tranh chấp sau này.

Dù có nắm giữ cả hai loại giấy tờ chứng minh nhân thân là Căn cước công dân và Chứng minh thư thì người dân cũng tuyệt đối không nên sử dụng cùng lúc.

Việc sử dụng các giấy tờ có ghi thông tin cá nhân là số Chứng minh nhân dân cũ trong các giao dịch, thủ tục hành chính cùng với Căn cước công dân mới hoàn toàn được chấp nhận. Bởi lẽ, trên thẻ Căn cước công dân gắn chip mới hiện nay đã tích hợp tất cả thông tin về Chứng minh thư cũ.

căn cước công dân và chứng minh nhân dân
căn cước công dân và chứng minh nhân dân

Sử dụng Chứng minh thư hết hiệu lực có bị phạt?

Theo quy định trên, việc thu lại Chứng minh nhân dân cũ sau khi làm Căn cước công dân mới là quy định bắt buộc.

Do đó, nếu sử dụng Chứng minh thư hết hiệu lực sau khi làm Căn cước công dân mới, công dân có thể vi phạm lỗi “không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân” theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 – 500.000 đồng.

Một số câu hỏi liên quan đến căn cước công dân và chứng minh nhân dân

Câu 1: Có những loại CMND, CCCD nào?

Trả lời:

– Hiện tại, CMND có hai loại đó là CMND 9 số, CMND 12 số.

+ CMND 09 số được cấp theo Quyết định 998/2001/QĐ-BCA(C11) ngày 10/10/2001.

+ CMND 12 số được cấp theo Thông tư 27/2012/TT-BCA , Thông tư 57/2013/TT-BCA .

– Mẫu CCCD được cấp theo Luật Căn cước công dân 2014, Thông tư 61/2015/TT-BCA và Thông tư 33/2018/TT-BCA .

Câu 2: Thời hạn sử dụng CMND, CCCD là bao lâu?

Trả lời:

– Căn cứ theo quy định tại Mục 4 Phần I Thông tư 04/1999/TT-BCA(C13) hướng dẫn Nghị định 05/1999/NĐ-CP về CMND thì CMND có thời hạn 15 năm.

– Theo quy định tại Luật Căn cước công dân 2014 thì thời hạn sử dụng sẽ được in trực tiếp trên thẻ theo nguyên tắc sau:

+ Thẻ CCCD phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

+ Trường hợp thẻ CCCD được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định nêu trên này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Câu 3: Có bắt buộc đổi CMND sang thẻ CCCD?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 38 Luật Căn cước công dân 2014 quy định:

“2. Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.”

Như vậy, khi CMND còn thời hạn thì không bắt buộc công dân phải đi đổi sang CCCD.

Trường hợp CMND hết hạn:

– Thực hiện thủ tục đổi CMND sang thẻ CCCD đối với các tỉnh thành đã cấp CCCD.

– Thực hiện đổi CMND mới đối với những tỉnh/thành phố chưa cấp CCCD.

Câu 4: Bao nhiêu tuổi thì được làm căn cước công dân?

Trả lời:

Theo quy định tại Luật Căn cước công dân 2014 thì Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi thì được cấp thẻ Căn cước công dân. Số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân của công dân.

Câu 5: Khi nào được đổi thẻ CCCD?

Trả lời:

Theo quy định tại Luật căn cước công dân 2014, thì các trường hợp sau đây được đổi thẻ CCCD:

– Khi CCCD hết hạn theo thời hạn ghi trên thẻ;

– Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;

– Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;

– Xác định lại giới tính, quê quán;

– Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;

– Khi công dân có yêu cầu.

Câu 6: Thủ tục đổi CMND sang CCCD thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Chỉ những tỉnh đã triển khai cấp CCCD thì người dân mới có thể tiến hành đổi từ CMND sang thẻ CCCD, thủ tục như sau:

Bước 1: Công dân xin giấy giới thiều đổi từ CMND sang CCCD của Công an cấp xã.

Bước 2: Công dân điền vào Tờ khai Căn cước công dân tại Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an cấp huyện hoặc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện (nếu đã triển khai) hoặc khai Tờ khai điện tử trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến.

Bước 3: Thực hiện các thủ tục chụp ảnh, thu thập vân tay, đặc điểm nhận dạng.

Bước 4: Nộp lệ phí và Nhận giấy hẹn trả kết quả

– Từ ngày 22/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020 : 15.000 đồng/thẻ CCCD.

– Từ ngày 01/01/2021: 30.000 đồng/thẻ CCCD

Trên đây là một số khía cạnh liên quan đến căn cước công dân và chứng minh nhân dân. Luật Rong Ba hy vọng bài viết trên đã có thể giúp quý khách hàng hiểu rõ hơn phần nào về căn cước công dân và chứng minh nhân dân. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tiến hành áp dụng pháp luật vào giải quyết công việc hoặc những tình huống phát sinh trong cuộc sống hàng ngày, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm.

Recommended For You

About the Author:

Hotline: 0347 362 775
Tư Vấn Online
Gọi: 0347 362 775